Tôi học được rằng…

Tôi học được rằng:
Có những điều dù ta chỉ làm trong khoảnh khắc nhưng lại làm ta đau lòng cả đời.

Tôi học được rằng:
Mỗi khi xa rời người thân yêu, hãy luôn nói lời thương yêu nhất, bởi có thể đó là lần cuối ta gặp họ.

Tôi học được rằng:
Đã là bạn thân, dù không làm gì cả, ta vẫn có những phút giây tuyệt vời khi bên nhau.

Tôi học được rằng:
Tình bạn chân thành sẽ mãi lớn lên dù cho có cách xa ngàn dặm, và tình yêu đích thực cũng thế đấy.

Tôi học được rằng:
Chỉ vì ai đó không yêu ta theo cái cách mà ta mong muốn, điều đó không có nghĩa là họ không yêu ta hết lòng. Đối với một người bạn tốt, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu chẳng may họ làm tổn thương ta, và hãy biết tha thứ cho họ vì điều đó.

Tôi học được rằng:
Sẽ không đủ nếu ta chỉ biết tha thứ cho người khác. Đôi khi cũng phải học cách tha thứ cho chính mình.

Tôi học được rằng:
Bất kể con tim ta có tan vỡ, cuộc sống cũng sẽ chẳng dừng lại, và vẫn vô tình như không biết đến tổn thương của ta.

Tôi học được rằng:
Cuộc đời ta có thể bị đổi thay tại một khoảnh khắc nào đó bởi một người thậm chí ta không quen biết.

Tôi học được rằng:
Ngay cả khi trắng tay, ta vẫn có thể thấy được mình thật giàu có để giúp đỡ mỗi khi bạn bè cần đến.

Tôi học được rằng:
Người mà ta rất quan tâm, thậm chí cả cuộc đời thì lại có thể rời xa ta rất sớm.
Người mà ta nghĩ sẽ vùi ta xuống đất đen khi hoạn nạn, nhưng chính họ lại là người nâng ta dậy khi ta vấp ngã.

Tôi học được rằng:
Khi không vui, ta được quyền giận dỗi, nhưng lại chẳng được phép tàn bạo và hung ác.

Tôi học được rằng:
Trên đời này, không phải ai cũng tốt và tử tế với ta, cho dù ta không động chạm đến họ. Cách tốt nhất là đừng nên để ý đến những kẻ muốn chứng kiến ta gục ngã . Hãy sống vì những người yêu quý ta.

Tôi học được rằng:
Để “thành nhân”, thành người mà ta mong muốn, phải mất thời gian rất dài.

Tôi học được rằng:
Hãy chịu trách nhiệm về những gì ta làm dù điều đó có làm lòng ta nát tan.

Tôi học được rằng:
Nếu ta không làm chủ được hành vi của mình, nó sẽ điều khiển lại ta.

Tôi học được rằng:
Người trưởng thành có nhiều điều phải suy nghĩ với những kinh nghiệm đã qua, và có được những bài học rút ra từ đó, và không bao giờ quan tâm nhiều đến việc mình đã tổ chức bao nhiêu lần sinh nhật.

Tôi học được rằng:
Hoàn cảnh sống có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của chúng ta, nên hãy ý thức về điều đó.

Tôi cũng học được rằng:
Chiếc áo không bao giờ có thể làm nên thầy tu.
Ta không nên quá háo hức để khám phá bí mật vì nó có thể làm thay đổi cuộc đời ta mãi mãi. Dù hai người cùng nhìn vào một vật nhưng họ lại có thể thấy những điểm khác biệt rất lớn…

Theo Sưu tầm

Lối sống quyết định thành công

Tiến sĩ Bruce Wilkison, tác giả cuốn Lời cầu nguyện của Jabez (The Prayer of Jabez) và Bảy quy tắc dành cho người ham học hỏi (The 7 Laws of the Learner) và nhiều quyển sách bán chạy khác, đã thuật lại câu chuyện về phép nhiệm màu đến từ một lời phê bình có thể làm thay đổi hoàn toàn nhận thức về bản thân mình cũng như thay đổi cả tương lai của ông.

Khi còn theo học trong một trường dòng, Bruce không bao giờ vắng mặt trong tất cả các tiết học có giáo sư Howard Hendricks giảng dạy. Ai cũng biết Howard Hendricks là một giáo sư danh tiếng, một nhà diễn thuyết xuất chúng và là một người huấn luyện kỹ năng lãnh đạo tài ba. Bản thân Bruce rất thần tượng giáo sư Howard và luôn luôn lắng nghe những lời vàng ngọc mà giáo sư dành cho mình. Một ngày nọ, Bruce lấy làm hãnh diện khi nhận lại bài làm của mình với điểm số tuyệt đối là A+. Thêm vào đó, Bruce còn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi vị giáo sư đáng kính đã để lại hàng chữ viết như thế này: “Bruce ạ! Tôi tin rằng anh có tiềm năng để trở thành một trong những người thuyết giảng Kinh Thánh vĩ đại nhất của thế hệ mình”.

Khi đọc xong, Bruce rảo bước về nhà, ông cầm bài làm của mình bằng cả hai tay áp vào lồng ngực, nâng niu như thể đó là chén thánh mà anh vừa được ban tặng. Anh phóng lên lầu, lao ngay vào căn hộ của mình và khoe với vợ những gì Tiến sĩ Hendricks đã viết. Và phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử. Bruce Wilkinson đã trở thành một trong những giáo sư đồng thời là nhà thuyết giảng vĩ đại nhất nước Mỹ, không chỉ về Kinh Thánh mà còn về hàng loạt các đề tài khác nữa.

Chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp

Bạn có biết rằng những điều bạn nghĩ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản thân như thế nào hay không? Khi bạn đã có những suy nghĩ tích cực thì chắc chắn chúng sẽ hình thành trong bạn niềm tin để biến suy nghĩ ấy thành hiện thực. Và ngược lại, khi bạn mang trong mình những suy nghĩ tiêu cực thì chúng sẽ gieo vào lòng bạn những nỗi lo lắng và sợ hãi đến mức bạn không thể làm điều gì tốt đẹp được.

Ông Job trong Kinh thánh Cựu ước là một ví dụ điển hình cho sự thực này. Sau khi gia đình, của cải và sức khỏe của Job bị cướp đi bởi những tai họa triền miên, Job đã buột miệng thú nhận: “Những gì tôi khiếp sợ đã đến với tôi, những gì tôi kinh hãi đã xảy ra cho tôi!” (Job 3:25). Job sống với nỗi sợ hãi sẽ bị Thượng đế lấy đi mọi thứ mà ông có – và điều đó đã xảy ra. Dẫu cuối cùng mọi thứ đều trở lại với ông, nhưng đã có lúc cuộc đời ông đã khốn khổ thế nào khi những tiên tri trở thành sự thật. Quả vậy, nỗi sợ hãi là một lời mời để ngỏ cho những rắc rối thâm nhập vào cuộc đời chúng ta. Ngược lại, lòng tin thì dẫn ta đến thành công.

Qua nhiều năm, với những lý do mà tôi không thể giải thích một cách khoa học hay thậm chí theo phương pháp thần học, tôi nhận thấy rằng cách thức tôi mong đợi sẽ ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến những gì thực sự xảy ra trong đời tôi. Khi tiếp cận cuộc sống theo hướng tích cực, tôi đảm bảo rằng bạn sẽ gầy dựng cho mình niềm tin về một cuộc sống tươi đẹp mà một ngày nào đó bạn sẽ làm chủ được nó. Còn bây giờ, tôi muốn kể cho bạn nghe về những người đã thay đổi cuộc đời sau khi thay đổi suy nghĩ của mình.

Thể hiện niềm lạc quan và thái độ tích cực

Là một bà mẹ đơn thân, Lisa Spicer lại phải nuôi ba con ở tuổi thiếu niên trong khi cô đang bị thất nghiệp. Tình cảnh còn bi đát hơn khi cô bị trượt té và gãy chân khi trong tay không có lấy một tờ bảo hiểm sức khỏe. Hẳn đây không phải là một khởi đầu tốt đẹp cho cuộc sống mới của một người mẹ và ba cậu con trai.

Suốt mười bốn năm qua, Lisa vẫn theo đuổi công việc của một họa sĩ, và cô cũng từng gây ấn tượng khi quảng bá các tác phẩm hội họa của mình tại các cuộc trưng bày mỹ thuật ở miền Đông Bắc. Vì vướng bận chuyện chăm sóc bọn trẻ, Lisa không thể tham gia đầy đủ tất cả các cuộc triển lãm nên tên tuổi của cô cũng chỉ được biết đến ở quanh khu vực mình sinh sống. Sau khi hồi phục và đi lại bình thường, Lisa lao vào làm việc cật lực để sáng tác. Mỗi ngày, cô say sưa với cọ vẽ từ 9 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Cuối cùng, khi thời cơ đến, cô quyết định thực hiện một bước ngoặt cho cuộc đời mình.

Cô mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc triển lãm của các nghệ sĩ nổi tiếng ở New York – một sự kiện kéo dài ba ngày tại Trung tâm Jacob Javits ở Manhattan. Để có thể trang trải cho những khoản chi phí khổng lồ, Lisa đã phải dốc cả những đồng xu cuối cùng mà cô tích cóp được. Song cô vẫn tham gia với một tâm trạng phấn chấn và niềm tin sẽ làm nên chuyện. Dẫu cho các tác phẩm của mình bị xếp vào một gian trưng bày trong góc khuất, nhưng Lisa vẫn hy vọng sẽ tìm được sự đồng điệu từ giới nghệ thuật và những hợp đồng từ phía khách hàng. Đối với Lisa, đây là cơ hội tuyệt vời để cô có thể biến ước mơ của mình thành sự thật.

Trước khi buổi triển lãm chính thức diễn ra, ngoài phần việc sáng tạo của một họa sĩ khiến cô phải giam mình trong phòng vẽ tại nhà suốt năm tháng trời, Lisa còn gửi đi hơn một trăm lá thư tay, năm mươi mốt thư điện tử và thực hiện hơn hai mươi cuộc gọi đến khách hàng, mời họ tìm đến gian trưng bày tranh của cô để thưởng ngoạn trực tiếp và đặt hàng.

Sau cuộc triển lãm, Lisa đã thu về những kết quả đáng kể. Có hơn hai mươi công ty quan tâm đến những tác phẩm mà cô đã trưng bày. Hai bản hợp đồng được ký kết giữa cô với Nhà xuất bản New York Graphic Society để họ có thể dùng các tác phẩm của cô trên những ấn phẩm mà họ bày bán trong các cửa hàng khắp nước Mỹ cũng như các phòng triển lãm và viện bảo tàng. Ngoài ra, Lisa cũng ký một thỏa thuận với Encore Promotion, một chi nhánh của tổ chức Bradshaw International, cho phép họ sử dụng những sáng tác nghệ thuật trên các sản phẩm sẽ tung ra thị trường cho mùa Giáng sinh 2006.

Lisa thực sự tin rằng một khi nuôi dưỡng niềm lạc quan và thái độ tích cực trong những lúc khó khăn thì thế nào cô cũng hướng cuộc đời mình đến những điều tích cực và sự tươi sáng trong tương lai.

Mọi người ai cũng bị thu hút bởi tính lạc quan – họ thích được ở bên cạnh những người tin rằng cuộc sống là một chuỗi những sự kiện tốt đẹp nối tiếp với nhau. Và tôi cũng muốn nói thêm rằng, nếu bạn chỉ nuôi dưỡng niềm lạc quan thôi thì chưa đủ, mà bạn còn phải hành động nữa. Với cách nhìn nhận đầy lạc quan và hướng về phía trước đó, chắc chắn bạn sẽ là người chạm được đích đến mà bạn đã đặt ra.

Nỗ lực hết mình

Trong suốt mười ba năm làm việc tại công ty Bank & Trust, North Dallas, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng Kelly Green vẫn được các đồng nghiệp công nhận là người thành đạt. Từ vị trí nhân viên, anh được cất nhắc lên chiếc ghế trợ lý phó giám đốc vào tháng 6 năm 2000. Rồi vào cuối năm 2001, Kelly được thuyên chuyển sang một chi nhánh khác của ngân hàng nên anh buộc phải chứng tỏ bản thân mình lại từ đầu tại chỗ làm mới. Cho đến cuối năm 2004, anh được thăng chức phó giám đốc chi nhánh. Sở dĩ sự nghiệp của Kelly luôn tiến lên như vậy là nhờ sự chăm chỉ làm việc của anh. Song một điều không thể phủ nhận là Kelly được kích thích và nỗ lực hết mình từ những ngày đầu nhờ vào bản đánh giá quá trình làm việc từ người giám sát của mình. Trong đó có những dòng như thế này: “Anh ấy có một tác phong làm việc rất chuyên nghiệp. Đồng thời, anh cũng có thái độ hợp tác rất tốt với người giám sát, đại diện ban quản trị và đồng nghiệp.”

Sự cộng hưởng giữa khả năng làm việc của bản thân và sự động viên của cấp trên đã giúp Kelly Green có được những thành quả to lớn trong công việc và một sự nghiệp vững vàng.

Quan tâm đến những điều bạn nghĩ lẫn cách bạn nghĩ

Mỗi khi có dịp đến Texas, chắc nhiều du khách khó mà bỏ lỡ một trong những địa chỉ ẩm thực độc đáo của bang, đó là chuỗi nhà hàng Luby’s Cafeteria. Mọi người vẫn khen ngợi đấy là một trong những nơi phục vụ thức ăn có “Hương vị của Texas, cảm giác như ở nhà”.

John Cartwright là quản lý của một nhà hàng Luby rất được lòng thực khách với những món ăn độc đáo và cả những chiêu thức giới thiệu món ăn cũng độc đáo không kém. Vào hôm vợ chồng tôi đến nhà hàng của ông thì thấy ở trên cửa ra vào có dòng chữ: “Mọi người sẵn sàng chết để có được món cá tilapia của chúng tôi”. Một câu khá kêu nhưng có gì đó bất ổn! Tôi liền gọi John lại và nói: “John ạ! Không ai sẵn sàng chết chỉ vì một con cá đâu! Sao anh không thay nó bằng câu: “Chết rồi còn nhớ đến món cá tilapia của chúng tôi!”. Khẩu hiệu này lập tức được John chấp thuận và được thực khách truyền tai nhau, kéo đến nườm nượp để được thưởng thức món cá độc đáo của họ.

Đôi khi chỉ là một từ, một cụm từ hay một ý nghĩ thôi cũng có thể thay đổi cả cục diện. Vậy nên bạn thực sự cần chú ý đến những điều bạn nghĩ cũng như cách bạn nghĩ. Ở điểm này, Frank Outlaw đã thật tinh tế chỉ ra nguồn sức mạnh đến từ những suy nghĩ của ta khi khuyên rằng:

– Hãy chú ý đến suy nghĩ của bạn; chúng sẽ trở thành lời nói.
– Hãy chú ý đến lời nói của bạn; chúng sẽ trở thành hành động.
– Hãy chú ý đến hành động của bạn; chúng sẽ trở thành thói quen.
– Hãy chú ý đến thói quen của bạn; chúng sẽ trở thành tính cách.
– Hãy chú ý đến tính cách của bạn; chúng sẽ trở thành số phận của bạn!

Có lẽ trước đây bạn chưa bao giờ mường tượng đến mối liên hệ giữa suy nghĩ và số phận của mình, nhưng tôi hy vọng bạn nhận ra điều đó từ bây giờ. Và tôi mong bạn sẽ bắt đầu bằng cách suy nghĩ và tin rằng cuộc sống của bạn đang ngày một tốt đẹp hơn.

Thời gian là vốn quý…

Chúng ta rất hiếm khi hoặc không bao giờ thấy tiếc nuối thời gian chỉ vì đó là thời gian, là vốn liếng quý báu rất hạn chế mà cuộc đời ta có được.

Khi ta sinh ra, điều chắc chắn duy nhất mà ta có thể biết được về tương lai của mình đó là ta sẽ chết. Dù là yểu mạng ở tuổi đôi mươi, hay sống thọ đến khi trăm tuổi như mong ước của nhiều người, thì cuối cùng chúng ta đều phải chết. Và mỗi ngày chúng ta trải qua trong cuộc sống, có thể hiểu một cách hoàn toàn chính xác là mỗi một bước tiến gần hơn về điểm cuối cuộc đời.

Chúng ta không hề bi quan khi thừa nhận điều này, vì đó là sự thật! Chính thái độ tránh né không đề cập đến sự thật này mới là thái độ hèn nhát, bi quan. Chúng ta thừa nhận sự thật này để thấy rõ một điều thực tế: thời gian được sống trên cõi đời này là đáng quý biết bao!

Chúng ta sẽ càng ý thức rõ hơn sự quý giá này khi nhớ rằng chúng ta không hề được đảm bảo là mình sẽ còn sống được bao lâu nữa. Tôi đã có lần chia tay với một người bạn thân, để rồi chỉ vài hôm sau nghe tin anh ta không còn nữa. Thật vậy, mạng sống quý giá này của ta có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào. Nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!

Sự quý giá của thời gian không phải là để giúp chúng ta có thể làm được những điều này, điều nọ… Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả! Vấn đề là chúng ta phải biết sống như thế nào để xứng đáng với giá trị thời gian ấy. Chúng ta lao động như một phương tiện để nuôi sống, nhưng bản thân sự lao động sáng tạo cũng chính là cuộc sống của chúng ta. Ngược lại, những giá trị vật chất được tạo ra luôn luôn có những giới hạn tạm bợ của nó, và rõ ràng không thể là mục đích cuối cùng để chúng ta nhắm đến. Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.

Nhiều người cho rằng nhờ sức lao động điên cuồng trong những xã hội công nghiệp mà loài người chúng ta mới có được ngày hôm nay, với những chiếc xe gắn máy hiện đại, máy điều hòa không khí, máy giặt quần áo… và cho rằng những thành tựu vật chất ấy là có ý nghĩa to lớn nhất. Tôi không hoàn toàn phủ nhận điều ấy, nhưng nếu đánh đổi sự quý giá của thời gian trong một đời người chỉ để vật lộn trong các nhà máy nhằm tạo ra các tiện nghi vật chất ấy thì tôi cho là không đáng. Thật tội nghiệp cho những người có suy nghĩ như thế, và tôi sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống đơn sơ để có được thời gian cho một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Chúng ta điên cuồng lao động quên ngày giờ để làm ra của cải vật chất, nhưng cũng chỉ vì không biết nghệ thuật sống, chúng ta sẵn sàng thiêu hủy những thành tựu vật chất ấy chỉ trong chốc lát. Một quả tên lửa mà quân đội viễn chinh Mỹ bắn vào thủ đô Irak trị giá đến một triệu hai trăm ngàn đô-la, và sức tàn phá của nó hẳn cũng hủy diệt đi một giá trị vật chất tương tự hoặc nhiều lần hơn thế nữa.

Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình. Chúng ta còn được bao nhiêu thời gian trong cuộc sống? Đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời được. Có thể là mười năm, hai mươi năm, có thể là một năm, có thể là vài ba tháng… nhưng cũng có thể chỉ là trong chốc lát nữa thôi. Vấn đề này sẽ bộc lộ hoàn toàn ý nghĩa thiết thực của nó khi chúng ta thử hình dung mình mắc phải một chứng bệnh nan y nào đó, ung thư chẳng hạn. Và phán quyết của bác sĩ cho chúng ta là một hoặc hai tháng nữa sẽ từ bỏ cuộc đời này. Thật kinh hoàng biết bao! Và khi ấy, chúng ta mới thấy tiếc nuối cuộc sống này biết bao! Thế nhưng, một thực tế là có biết bao người không hề mắc bệnh ung thư, cũng không hề được ai dự báo trước, vẫn có thể đột ngột từ bỏ cõi đời này mà không theo một quy luật nào cả. Làm sao dám chắc rằng chúng ta lại không là một trong số đó? Nếu chúng ta có đủ can đảm chấp nhận sự thật ấy, chúng ta mới có thể sống thật trọn vẹn những giây phút hiện đang có được trong cuộc sống tươi đẹp này.

Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc. Khi chúng ta ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, chúng ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể. Đời sống của ta quý giá, và đời sống của mọi người quanh ta cũng quý giá không thể lấy gì đánh đổi được.

Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta nhìn lên bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai ửng hồng, hoặc một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm… Mỗi một thực thể xinh đẹp ấy đều nhắc nhở ta biết là đời sống của ta đang tồn tại, và ta tự nhủ với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm mầu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.

Cuộc sống luôn diễn ra quanh ta, nhưng rất nhiều khi ta quên đi điều ấy. Chúng ta lo toan chuyện này chuyện khác, chúng ta vất vả để có được món này món nọ… Những thứ ấy không phải là không quan trọng, nhưng chúng đều là những gì thuộc về tương lai, mà tương lai thì không thể cảm nhận được một cách cụ thể, chắc thật như giây phút hiện tại mà ta đang sống.

Khi hiểu được như vậy, chúng ta vẫn làm việc không kém phần tích cực cho những mục tiêu mà mình nhắm đến, nhưng trên cả những điều ấy là chúng ta luôn ý thức được giây phút sống hiện tại của mình.

Chúng ta đào một cái hố trong vườn để đặt cây xoài con. Mục tiêu của chúng ta là tiếp tục vun bón để một ngày mai sẽ có quả xoài thơm ngọt cho chính chúng ta hoặc con cháu của chúng ta. Nhưng quả xoài hãy còn trong tương lai. Niềm vui thật sự của chúng ta không nằm ở tương lai mà là ngay trong giây phút hiện tại này, trong từng nhát cuốc chúng ta đào, trong việc bón phân lót và đặt cây xoài con, trong việc tưới nước và che mát cho cây con… Chúng ta cần phải biết tận hưởng được niềm vui trong đó. Nếu chúng ta nghĩ đến một ngày mai con cháu chúng ta sẽ có những quả xoài thơm ngọt để ăn, thì thật ra động lực mang lại niềm vui cho chúng ta là tình thương ta dành cho con cháu, không phải bản thân việc có được quả xoài. Khi chúng ta hiểu được như thế, thì dù nhiều năm sau đó cây xoài không sống được để cho trái – và điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra – chúng ta sẽ không đau khổ. Chúng ta đã tận hưởng niềm vui ngay trong hiện tại và không có gì phải phụ thuộc vào một kết quả trong tương lai. Chúng ta đã làm hết sức mình để có những giây phút đẹp trong đời sống, và vì thế chúng ta không có gì phải tiếc nuối hay đau khổ vì những hoàn cảnh không mong muốn.

Chúng ta cũng có thể tận hưởng niềm vui cuộc sống ngay trong khi đi bộ đến trạm xe buýt hay khi đang chờ xe… Mỗi một khung cảnh mà ta được nhìn thấy quanh ta đều là những quà tặng vô giá của cuộc sống mà rất có thể ta sẽ không còn có dịp để nhìn thấy nữa. Khi tôi còn nhỏ, tôi rất mê nghe nhạc cổ điển. Nhưng máy hát đĩa trong nhà là thuộc quyền sử dụng của anh tôi, vì tôi vẫn còn quá nhỏ. Anh tôi lại rất ít khi nghe nhạc cổ điển, vì anh thích các ca khúc tiền chiến hơn. Như vậy là, cứ mỗi dịp hiếm hoi mà anh mở đĩa nhạc cổ điển, tôi liền tập trung hết cả tâm hồn mình để chú ý lắng nghe, vì tôi biết là sẽ rất hiếm khi lại được nghe lần nữa. Những lúc như thế, tôi thấy những nốt nhạc không chỉ còn là âm nhạc, mà chúng như một dòng suối tuôn chảy niềm vui về cho tôi. Quả thật là khi nghe nhạc theo cách ấy, tôi đã tận hưởng được tất cả những nét đẹp kỳ diệu trong âm nhạc.

Chúng ta cũng sẽ không phung phí thời gian để mơ mộng về tương lai hay nuối tiếc quá khứ. Từng giây phút ta đang sống trong bầu không khí trong lành quanh ta đều quý giá. Từng con người mà ta có may mắn được tiếp xúc cũng đều quý giá. Ta không thể ngồi cạnh một con người mà tâm hồn để mãi tận đâu đâu. Khi ấy, ta không cảm nhận được sự hiện hữu của người ấy, mà người ấy cũng sẽ không hề cảm thấy thật sự có ta. Niềm vui của ta chỉ có được trong một sự tiếp xúc thật lòng mà không nằm trong những mơ mộng viễn vông. Đến một bông hoa, một cành lá… chúng ta cũng cần phải tiếp xúc thật lòng như vậy mới có thể cảm nhận được sự hiện hữu và vẻ đẹp của chúng.

Thời gian quý giá vẫn liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng sông, một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó. Chỉ như thế chúng ta mới không bỏ phí đi giá trị của thời gian, và mới nhận ra được hạnh phúc là một điều hoàn toàn có thật.